Gà trong y dược học Việt Nam

Gà trong y dược học Việt Nam

Trong các loại gia cầm thì gà được nuôi nhiều nhất và được coi là giá trị nhất, gần như các bữa ăn sang trọng đều có món gà, quay, luộc, tần hạt sen.
Để làm thuốc thường dùng gà nhép ( gà giò, gà choai) cỡ 0,4 – 0,5kg, mổ bỏ ruột, nấu với một số vị thuốc hay món ăn chữa bệnh như gạo nếp, bo bo, củ mài, hạt sen.
 
Trong các tài liệu cổ, đặc biệt là cuốn “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh ( Thế kỷ XIV) gà đã được đặc biệt chú ý. Thịt gà ( kê nhục) ôn trung bổ hư ấm bụng thêm chất bổ. Y học dân tộc còn phân biệt được sự khác nhau giữa thịt gà mái với thịt gà trống.
 
– Thịt gà mái (thư kê nhục) tính bình hòa, vị chua không độc, chủ trị các chứng tê thấp, cảm gió, cảm rét, bổ 5 chứng lao chữa hư lao, ngã gãy, rong huyết, khí hư kết hòn chứa tích trong bụng.
– Thịt gà trống (hùng kê nhục) tính hơi nóng, vị ngọt không có độc nhưng hay động phong khí, chủ trị điều hòa khí huyết, bổ dưỡng trong bụng, âm thái, chữa tê liệt không còn cảm giác đau đớn
Đơn thuốc:
1. Thuốc cho người thiếu máu, ốm yếu:
Gà nhé mổ bỏ ruột, nhồi một nắm ngải cứu tươi đã rửa sạch khâu lại nấu kỹ, ăn mỗi ngày 1 con như thế trong một tuần liền, dùng cho phụ nữ đang có thai rất hay.
2. Ho lâu ngày, người khô ráo, khó ngủ: Cũng làm như bài trên nhưng thay ngải cứu bằng một  nắm lá dâu non và nửa chén gạo nếp
3. Mạnh gân cốt:
Làm thịt gà nên giữ chân lại, gác bếp đủ vài chục cặp, băm nhỏ nấu nhừ, ăn cả nước cả cái, tốt nhất là đặt mua các quán phở để nấu cao
4. Quáng gà:
Gan gà trống hấp cơm, chấm nhọ nồi, ăn vào ba buổi chiều liền. Nhọ nồi phải lấy ở đáy nồi đun bằng củi, rơm rạ
5. Đái dầm kèm theo nói mê sảng:
Gan gà trống 1 bộ, quế tốt chừng 10g. Quế cạo vỏ thô, giã nhỏ, bằm chung với gan gà trống, gói lá chuối hấp cơm, cho ăn vào buổi chiều, làm ba buổi như thế liền.
6. Trẻ em lao phổi ở dạng : âm hư nội nhiệt”
Triệu chứng: Sốt về chiều, mồ hôi trộm, má đỏ, ho khan, ít đờm, mệt mỏi, hay quấy khóc, khát nước, môi khô, nước tiểu ít và vàng, táo bón, lưỡi đỏ it râu.
Cách chữa: Dùng một con gà mái đen to, bỏ ruột, cho một nắm lá dâu, một nắm bo bo, một nắm gạo nếp vào, khâu lại hầm cách thủy, cho ăn mỗi tuần 2 lần.
7. Sởi mọc ít, sốt cao khó thở:
Gà trống tơ, mổ lấy tim còn đập, đắp lên vùng mỏ ác, 30 phút sau thở được bình thường, sởi sẽ mọc đều
8. Đe dọa sảy thai
Ăn thịt gà mái già ( nuôi đã 4-5 năm) với gạo nếp ( Nam dược thần hiệu)
9. Cao ngũ cốt:
– Xương gà 3kg
– Xương chó 3kg
– Xương trâu bò 10kg
– Xương lợn 3kg
– Xương khỉ 5kg
Các thứ xương đều làm sạch hết thịt, gân, tủy, cưa từng khúc 2cm, chẻ nhỏ, tẩm nước gừng sao vàng, cho vào thùng nấu 3 ngày đêm, cô thành cao đặc, cắt thành phiến.
Mỗi ngày uống 12g, với nước cháo nếp, chia làm 2 lần sáng và chiều. Cao này bổ khí huyết, bổ hư lao, thêm tinh tủy ( cổ phương).