1. Nông nghiệp sạch là gì?
Nông nghiệp sạch là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người.
2. Khi nông nghiệp sạch “lên ngôi” !
Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Trước tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đang được buôn bán tràn lan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng và tình hình kinh tế – xã hội thì việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo VSATTP được xem là một trong những giải pháp tối ưu, là hướng đi bền vững của một nền nông nghiệp.
Với việc nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân ngày càng tăng cao đã trở thành một “chất xúc tác” để sản xuất nông nghiệp sạch “lên ngôi”. Mặc dù thách thức là rất lớn nhưng cũng không thiếu những cơ hội, nhất là khi Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích phát triển.
3. Nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ, như: phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì nhiêu cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ rất an toàn, bổ dưỡng, tươi ngon để phục vụ đời sống người tiêu dùng. Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nền nông nghiệp.
4. Trồng rau thủy canh
Thủy canh là phương pháp trồng rau sạch mà không cần dùng đất, phù hợp với người dân sống tại thành phố bởi không cần không gian quá rộng, có thể trồng được ngay trên tầng thượng nhiều ánh sáng, không cần đất cát, dễ chia luống và gọn gàng. Các gia đình có thể tự tay trồng, sử dụng dung dịch dinh dưỡng an toàn để có được thực phẩm sạch một cách chủ động. Để trồng rau thủy canh cần sử dụng vật liệu dạng hộp như hộp xốp, khay nhựa có nắp đậy kín, nilon đen lót hộp, rọ nhựa có đường kính 5cm, giá thể (trấu hun) và dung dịch dinh dưỡng. Đặt thùng thủy canh trực tiếp lên trên nền xi măng, ban công, sân nhà… nơi có ánh sáng mặt trời. Trồng và sử dụng rau thủy canh là rất tốt, bởi có thể đảm bảo được lượng thực phẩm sạch không nhiễm các chất độc hại, không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, nếu chăm sóc rau thủy canh không đúng cách rất dễ dẫn đến tình trạng thừa nitrat khi trồng.
5. Nuôi gà bằng thảo dược
Mô hình chăn nuôi gà bằng các loại cây thảo dược đang trở thành xu hướng và được nhiều người dân áp dụng trong thời gian qua. Thay vì dùng cám công nghiệp, mô hình này thay thế thức ăn cho vật nuôi bằng cám ngô, bỗng rượu, rau xanh và đặc biệt là các loại cây thảo dược như chùm ngây, chè vằng, cam thảo, kim ngân, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc, gừng,… làm thức ăn cho vật nuôi. Việc dùng thức ăn bằng thảo dược giúp gà tăng sức đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm về thịt và trứng luôn sạch, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao để cung cấp đến người tiêu dùng. Nhờ đó, giá trị kinh tế từ chăn nuôi gà cũng cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.
Mô hình chăn nuôi gà bằng thảo dược cũng loại bỏ được việc vật nuôi sử dụng thuốc kháng sinh tổng hợp, chất kích thích sinh trưởng, mà thay vào đó sẽ sử dụng các loại thuốc được sản xuất từ thảo dược, để gà phát triển tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với những lợi ích không nhỏ về khía cạnh ẩm thực, sức khỏe và môi trường, chắc chắn nông nghiệp sạch sẽ là hướng đi bền vững và lâu dài nhất đối với nên nông nghiệp nước nhà.